Các vị tổ Hội_quán_Lệ_Châu

Nghề kim hoàn là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời. Những món trang sức như vòng tay, khoen tay, trâm cài... bằng vàng, bằng bạc đã được tìm thấy trong những cuộc khai quật khảo cổ, hoặc còn được lưu giữ đã nói lên điều ấy.

Nhưng tra trong thư tịch cổ, không thấy ghi ai là vị tổ khai sáng nghề kim hoàn vào thời kỳ xa xưa trên đất Việt. Làng nghề kim hoàn sớm nhất giờ đây được biết đó làng Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông (14601494) có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng.[4]

Và hai người làm nghề kim hoàn nổi tiếng khác, được thờ ở Lệ Châu hội quán là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương, chỉ là người sống ở giữa thế kỷ 18.

Công lao

Cao Đình Độ (1744-1810) người làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình ông vốn làm nghề nông. Thuở trẻ, ông theo học chữ Nho, lớn lên ông làm nghề bịt đồng, nhưng lòng luôn ao ước được trở thành người thợ kim hoàn giỏi. Để học được nghề, ông phải cải trang thành người Hoa, xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long. Bởi lúc bấy giờ chỉ có người Hoa, mới biết cách chế tác. Sẵn bản tính hiếu học, trung thực, hiền lành, ông Độ được chủ thương và tận tình truyền dạy nghề cho ông. Sau một thời gian rèn luyện, ông đã thành thạo nghề.

Năm 1783, ông Cao Đình Độ đưa vợ và con trai vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp, thu nhận đệ tử và truyền lại nghề cho con là Cao Đình Hương. Từ đó, làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn.

Nghe tiếng, vào năm 1790, vua Quang Trung (17531792) đã cho triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc của làng Kế Môn, vào triều đình để lập cơ vệ Ngân Tượng, chuyên lo việc chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức trong cung điện. Vì vậy, ông đưa gia đình đến sống tại làng Cao Hậu (Hương Trà, Thuận Hóa). Nhờ làm việc tốt, Cao Đình Độ được phong chức Lãnh binh.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820) lên ngôi, những gì thuộc về vương triều Tây Sơn đều bị phá hủy, chỉ duy nhất ngành Ngân Tượng được bảo tồn và những người làm việc ở cơ vệ ấy đều được lưu dụng.

Năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Con là Cao Đình Hương được kế tục sự nghiệp của cha với chức lãnh binh, nhưng ít lâu sau, ông xin từ quan. Lúc bấy giờ Thượng thư bộ Lại là Trần Minh, mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.

Hơn 10 năm truyền dạy nghề, năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời. Theo mong muốn của thầy trước khi mất, là nghề kim hoàn được truyền bá rộng khắp, ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền đến làng Định Công (Hà Nội), ba người họ Huỳnh vào đất Phan Thiết, rồi cả hai nhóm đều mở lò và thu nhận đệ tử...Không rõ năm nào, ba anh em họ Trần bỏ đất Bắc để vào Nam. Và sau khi truyền nghề cho 36 đệ tử ở Chợ Lớn, ba anh em lại tiếp tục đến các tỉnh miền Tây, sang Campuchia, Lào, Thái Lan... rồi cả ba người qua đời khi nào, ở đâu không ai được rõ.

Nếu như hai ông họ Cao có công khai sáng nghề kim hoàn, thì ba ông họ Trần, ba ông họ Huỳnh là người có công phổ biến nghề trên khắp đất nước Việt và các nước lân cận.

Ghi nhận công lao

Chính điện Lệ Châu hội quán.

Hiện nay, tại Từ đường họ Kim Hoàn, ở số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế, còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của các vua nhà Nguyễn, như các sắc phong cho ông Cao Đình Độ là "Tiến sĩ khai hóa nghề kim hoàn", là Lãnh binh, là "Đệ nhất tổ sư".

Đến thời vua Minh Mạng, Cao Đình Hương được phong tước hiệu "Đệ nhị tổ sư". Và cả hai ông đều được sắc phong là "Dực bảo Trung hưng Linh phò Bổn sứ - Khai hóa Kim ngân Thế tổ Cao Đình Độ tọa thần vị, Cao Đình Hương linh thần vị", được ban đất xây mộ như các vị quan lớn.

Đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924) ngày 25 tháng 9, hai ông được phong "Dực bảo Trung hưng Linh phò chi Thần". Năm Bảo Đại thứ 13 (1938), hai ông được gia phong một lần nữa.

Hiện nay, khu mộ hai vị tổ sư đều tọa lạc tại phường Trường An về phía Nam thành phố Huế, trong đó, mộ Cao Đình Độ xây dựng năm 1810, mộ Cao Đình Hương xây dựng năm 1821.

Nhà thờ và khu mộ của hai ông đều đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa.